Thứ Bảy, ngày 15/04/2023, 21:39

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.

Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (đơn vị đã góp phần cùng quân và dân Thủ đô bắn rơi 5 máy bay Mỹ trong ngày 16/4/1972) ra sức luyện tập kỹ thuật. Ảnh tư liệu

Dân quân tự vệ là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước; là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh. Đặc biệt, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 - 1972, lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng.

1. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ (12 - 1972)

Sau những thắng lợi to lớn năm 1971, bước vào Xuân - Hè năm 1972, quân dân miền Nam đã mở cuộc tiến công chiến lược gây cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhiều bất ngờ cả về hướng tiến công và quy mô chiến dịch. Để cứu vãn tình thế, ngày 6 - 4 -1972, Tổng thống Mỹ Ních - xơn huy động lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, đỉnh cao là chiến dịch dùng máy bay B52 dội bom xuống Thủ đô Hà Nội. Trong chiến dịch này, Mỹ coi “thần tượng B52” là con át chủ bài, vũ khí “linh hoạt nhất” trong bộ ba chiến lược (máy bay B52, tên lửa, tàu ngầm hạt nhân chiến lược). Dư luận thế giới gọi đây là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Trong cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam mang tên “Chiến dịch Linebacker II”, Mỹ huy động một khối lượng lớn vũ khí kỹ thuật khổng lồ và hiện đại nhất của không quân và hải quân Mỹ. Đây được xem là chiến dịch không quân lớn nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến năm 1972, với gần 50% tổng số máy bay hiện có (193/404), hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật (cả tiêm kích và cường kích gồm 1077/3.041 chiếc, trong đó có 01 biệt đội F111 với 50 chiếc), hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy liên lạc dẫn đường; 1/4 tổng số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6/24 chiếc), 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 [7, tr.52]. Riêng Hà Nội, Mỹ sử dụng 444 lần/chiếc B52, hơn 1000 lần/chiếc máy bay chiến thuật, ném bom khoảng hơn 10.000 tấn xuống 39 đoạn phố, 4 thị trấn, 67 xã [3, tr.159]. Mỹ tuyên bố đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”, nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, đánh ngục ý chí khát vọng “độc lập, tự do” của dân tộc Việt Nam, giành thắng lợi trên bàn đàm phán Paris và răn đe các nước đang trỗi dậy đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Nhận rõ bản chất của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Hội đồng Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quân dân miền Bắc, đặc biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động quân sự của Mỹ. Để bảo đảm chắc thắng và giành thế chủ động ngay từ trận đầu, lãnh đạo Hà Nội đã khẩn trương sơ tán người và tài sản, xây dựng hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang nhanh chóng triển khai công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm vật chất, kỹ thuật, điều chỉnh bố trí lực lượng, nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... Ngày 18 - 12 - 1972 không quân Mỹ bắt đầu tiến đánh Thủ đô Hà Nội, dội bom xuống các khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm... hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác [2]. Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, quân và dân Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến với các lực lượng khác để giữ vững Thủ đô. Trong 12 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 23 máy bay B52, 2 máy bay F111 và 5 máy bay chiến thuật khác [6, tr.255], góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động thế giới.

2. Dân quân tự vệ Thủ đô - nhân tố quan trọng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trên bầu trời Hà Nội

Thứ nhất, dân quân tự vệ Hà Nội làm tốt công tác phòng không nhân dân cơ sở, tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến trên địa bàn

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ cuối tháng 12 - 1972, Dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội phát huy tốt vai trò là lực lượng tại chỗ có mặt nhanh nhất, kịp thời bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến giành thắng lợi. Trước khi Mỹ ném bom Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập thêm 8 đại đội tự vệ tập trung, thoát ly sản xuất. Ở 4 huyện ngoại thành mỗi huyện tổ chức một đại đội bộ binh tập trung, trang bị súng đạn, làm nhiệm vụ cổ động chiến đấu trong địa bàn huyện. Trong nội thành, mỗi khu phố tổ chức một đại đội pháo cao xạ 100 ly (gồm 5 khẩu đội), tăng cường cho hệ thống máy bay tầm cao. Quân số của các đại đội này chủ yếu là công nhân của các nhà máy, xí nghiệp tập trung lại, có thời điểm lực lượng Dân quân tự vệ lên tới 54.000 người, sử dụng trên 500 súng trung liên, đại liên và súng máy phòng không, triển khai tại 295 trận địa trực chiến. Hơn nữa, lực lượng Dân quân tự vệ còn tham gia giúp các nhà máy, xí nghiệp làm tốt công tác ngụy trang, che phòng các mục tiêu có tầm cao và dễ bị phát hiện. Đến tháng 5 - 1972, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều được ngụy trang, che phòng để tránh phản quang, hạ thấp các mục tiêu và làm các mục tiêu giả. Bên cạnh đó, lực lượng Dân quân tự vệ còn hướng dẫn dân đào hầm, hào bảo vệ của cải, máy móc và gia súc. Mỗi chiến công của bộ đội chủ lực đều có sự đóng góp to lớn của lực lượng Dân quân tự vệ, nhiều tấm gương gan dạ, anh dũng trong lực lượng Dân quân tự vệ xuất hiện khi tham gia phục vụ chiến đấu như nữ Dân quân tự vệ Lê Thị Vân, Trần Thị Tuyết, Trần Thị Kim Dung, Trần Thị Hồng Sâm[1, tr.51]. Ngoài ra, lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội còn tích cực tham gia tiếp đạn, tổ chức quan sát và thông báo kịp thời khi máy bay Mỹ tiến vào Hà Nội. Trung đội nữ dân quân thôn Thanh Mai tiếp đạn cho trận địa pháo Hai Bà Trưng. Trận địa khu Đống Đa, Hoàn Kiếm và nhiều trận địa trên khắp thủ đô Hà Nội đã được đông đảo Dân quân tự vệ ra hỗ trợ. Mặc cho bom đạn uy hiếp, các chiến sĩ quan sát trên các nóc nhà Ngân hàng Trung ương, Học viện Thủy Lợi, Đại học Bách Khoa, Cơ khí Quang Trung, xã Tri Hiệp, khu Vân Hồ, Đại học Sư Phạm... vẫn kiên quyết bám trụ, theo dõi tình hình báo cáo kịp thời cho chỉ huy[1, tr.51]. Nhìn chung, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” Dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, các đội trưởng Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Văn Hải, Bùi Mai, Nguyễn Hùng, Phạm Thị Viễn đã được Đảng và Nhà nước động viên, khen ngợi.

Thứ hai, dân quân tự vệ Hà Nội phối hợp chặt chẽ với quân đội, công an bảo đảm tốt trật tự trị an

Khi Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại, biệt kích, chống phá, gây mất trật tự trị an ở nhiều địa phương, lực lượng Dân quân tự vệ đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an khẩn trương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân triệt để sơ tán người và phân tán tài sản. Hầu hết các trường học, cơ sở sản xuất đều được di chuyển khỏi thành phố. Đây là biện pháp làm giảm tổn hại về máy móc, vật tư, kho tàng, tài sản ở ngay các trọng điểm để tránh bị thương vong, tổn thất hàng loạt khi Mỹ đánh phá. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng đã tổ chức phân tán tại chỗ kết hợp với hệ thống hầm hào và công sự che chắn nên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất trong suốt thời gian chiến tranh như nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội). Bên cạnh đó, lực lượng Dân quân tự vệ còn tham gia rà phá hàng nghìn quả bom mìn, thủy lôi ở các vùng sông, biển góp phần làm thất bại âm mưu phong tỏa của đế quốc Mỹ.

Khi Mỹ ngừng bắn, mọi hoạt động của thành phố đều tập trung khắc phục hậu quả nhằm ổn định đời sống nhân dân, lợi dụng thời điểm này những tên phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh các hình thức chiến tranh tâm lý, tình báo, gián điệp nhằm gây hoang mang, chia rẽ, làm giảm lòng tin của quần chúng với lãnh đạo, kích động những phần tử xấu trên địa bàn gây mất trật tự trị an. Trước tình hình đó, lực lượng Dân quân tự vệ cùng với quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự trị an, lực lượng Dân quân tự vệ được tăng cường tuần tra khắp các phố phường, những cụm kho lớn ở Yên Viên, Đông Anh, Cổ Loa, Văn Điển, Giáp Bát đều có lực lượng Dân quân tự vệ tham gia canh gác, bảo đảm an ninh[6, tr. 273]; đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an và các lực lượng khác quản lý thị trường, nhanh chóng vây bắt, trấn áp những phần tử xấu, lưu manh, gây rối... với những việc làm tích cực và kịp thời đó, an ninh chính trị, trật tự xã hội dần ổn định.

Thứ ba, dân quân tự vệ Hà Nội cùng với nhân dân tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất

Khắc phục hậu quả chiến tranh là công tác quan trọng nhằm ổn định sinh hoạt và sản xuất. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, lực lượng Dân quân tự vệ Thủ đô đã tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh trong tất cả các tình huống như tu sửa hầm, hố, hào phòng tránh, đường giao thông, công trình dân sự, nhà máy, xí nghiệp, trường học, khơi thông luồng lạch, rà phá bom mìn, thủy lôi, ổn định đời sống và sản xuất. Đặc biệt, sau khi máy bay Mỹ oanh tạc vào kho xăng dầu Đức Giang, gây tổn thất lớn, 12/14 bể xăng cùng 7.000 phuy xăng dầu bị phá hủy, lãnh đạo thành phố và huyện Gia Lâm đã chỉ đạo lực lượng Dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả. Tự vệ Thủ đô, các nhà máy cùng dân quân và nhân dân cũng tích cực tham gia xây dựng, san lấp đường, xây dựng lại nhà máy, nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng khác. Tại quãng đê khu Vĩnh Tuy (Thanh Trì), lực lượng dân quân địa phương phối hợp với lực lượng công binh tham gia trên 8.000 ngày công đào, tháo kíp nổ xong một quả bom phá ở độ sâu 14 mét. Hơn nữa, lực lượng Dân quân tự vệ Thủ đô còn phối hợp với đoàn thanh niên nhà máy Dệt 8 - 3 khôi phục 7 công trình với gần 2.000 ngày công lao động. Lực lượng tự vệ nhà máy điện Yên Phụ khôi phục xong hai lò hơi. Tại nhà máy cơ khí Hà Nội, tự vệ đóng góp khoảng 1.000 ngày công vận chuyển 350 tấn máy móc thiết bị từ nơi sơ tán, phân tán trở về lắp đặt an toàn. Tại nhà máy cơ khí Quang Trung, trong 3 ngày tự vệ lắp đặt xong gần 100 tấn thiết bị, sau đó tổ chức sản xuất ngay[6, tr.270]. Ở ngoại thành với sự giúp đỡ của Dân quân tự vệ những cánh đồng cũng được giải phóng xong bom đạn, giải quyết đến đâu, bà con xã viên tiến hành gieo trồng đến đó. Hệ thống điện, nước trong các bệnh viện, trường học nhanh chóng được thu dọn, xây dựng và tổ chức hoạt động trở lại.

3. Một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội

Từ thực tiễn lịch sử về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 - 1972, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Dân quân tự vệ góp phần giữ vững an ninh, trật tự cơ sở

Dân quân tự vệ giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”[4, tr.158]. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, để phát huy vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ nói chung và Dân quân tự vệ Hà Nội nói riêng cần tăng cường hoạt động huấn luyện, tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ đúng quy định, bảo đảm thành phần, có chất lượng chính trị cao, bảo đảm tốt chế độ, chính sách cho cán bộ Dân quân tự vệ.

Hai là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Dân quân tự vệ Hà Nội vững mạnh, toàn diện

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành”[4, tr.309]. Đội ngũ cán bộ Dân quân tự vệ là những người lĩnh hội mọi nghị quyết, chủ trương, chính sách về xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ của Đảng, từ đó triển khai, cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch, định hướng xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, toàn diện về mọi mặt. Vì vậy, cần thường xuyên chăm lo, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Dân quân tự vệ có đủ phẩm chất, năng lực với số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là những vùng địa bàn trọng điểm của Thủ đô.

Ba là, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội tinh gọn, vững mạnh toàn diện, chú trọng địa bàn trọng điểm

Lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, toàn diện là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch, tình hình thiên tai, dịch bệnh... cần tiếp tục đổi mới chất lượng huấn luyện cho lực lượng Dân quân tự vệ góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Dân quân tự vệ; tổ chức, xây dựng lực theo hướng tinh gọn, biên chế chặt chẽ, trang bị vũ khí, được giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, huấn luyện quân sự góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Bốn là, chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ

Đây là kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội nói riêng và Dân quân tự vệ cả nước nói chung. Thông qua các hoạt động kiểm tra, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ hoàn thiện hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn nâng cao chất lượng Dân quân tự vệ; động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng Dân quân tự vệ vững vàng về tư tưởng, niềm tin, ý chí quyết tâm, hăng hái tham gia huấn luyện, hoạt động và luôn sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, phát hiện những bất cập, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng để có phương hướng khắc phục kịp thời.

Kết luận

Hoạt động chiến đấu phục vụ chiến đấu của lực lượng Dân quân tự vệ Thủ đô là biểu hiện sinh động của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận toàn dân đánh giặc trong trận “Điện Biên Phủ trên không” nói riêng và chiến tranh cách mạng nói chung. Vai trò và những đóng góp của lực lượng Dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, bảo đảm sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo nền tảng cho việc ký kết hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời, tạo cơ hội để nhân dân cả nước tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, thống nhất đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Hữu Đạo (2012), Vai trò của lực lượng dân quân, tự vệ Thủ đô Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 8 - 2012.

[2] Hoàng Trung Hải (2017), “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18 - 12 - 2017.

[3] Trịnh Vương Hồng (2015), “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (1972) và thông điệp cho hậu thế, in trong Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Huỳnh Tâm Sáng (2013), Trận chiến “Điện Biên Phủ trên không (12 - 1972) qua đánh giá của các học giả phương Tây, Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (183), 2013.

[6] Thủ đô Hà Nội (1991), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.


Đọc thêm

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thùy

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.